Đặc điểm chung của bệnh
- Bệnh tụ huyết trùng (THT) ở dê cừu là một bệnh truyền nhiễm, lây lan mạnh và gây thiệt hại lớn. Bệnh xảy ra quanh năm trên mọi lứa tuổi, nhưng thường bị nặng khi chuyển mùa với những biểu hiện điển hình là viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm vú.
- Bệnh do một số loài vi khuẩn Pasteurella gây ra, trong đó, loài P. multocida thường gây bệnh ở thể nhiễm trùng máu xuất huyết, còn loài P. haemolytica thường gây bệnh ở thể viêm phổi.
- Đây là vi khuẩn có sức đề kháng yếu với các chất sát trùng, với ánh sáng chiếu trực tiếp, sức nóng nhưng lại sống khá lâu trong nền chuồng, trong đất trên đồng cỏ đến vài tháng, có khi cả năm, hơn nữa vi khuẩn lại có thể sống ở đường hô hấp vì vậy mà việc hạn chế xâm nhập cơ thể hay tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn là rất khó khăn.
Khi gia súc gặp điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng (như khí hậu, thức ăn thay đổi đột ngột, vận chuyển hay nhiễm một bệnh khác) thì chúng nhân lên và gây bệnh.
Dê, cừu bệnh thường có biểu hiện sốt, ủ rũ, bỏ ăn, ho… Ở thể cấp tính dê, cừu khó thở, thè lưỡi thở và chết. Nếu sống sót, bệnh chuyển sang thể mãn tính làm giảm khả năng hô hấp dẫn đến làm giảm khả năng sinh trưởng và phát triển của dê. Việc điều trị rất khó khăn, thường chậm hiệu quả và tốn kém, vì vậy áp dụng phòng bệnh bằng vác xin là biện pháp có lợi nhất.
Những biểu hiện của bệnh:
Bệnh THT dê cừu thường có 3 biểu hiện sau:
- Viêm phổi: con vật thường mệt mỏi, ăn ít, ho, thở khó. Mũi có chất nhầy trắng hoặc vàng dính quanh lỗ mũi, đôi khi vật ho ra cả đám dịch nhầy. Dê cừu gầy sút và có thể chết sau một thời gian. Nếu mổ khám sẽ thấy phổi xẹp, có những vùng phổi bị nhục hóa, khí quản chứa nhiều dịch nhầy. Thể bệnh này rất thường gặp ở đàn dê cừu nuôi nhốt chật chội, thiếu ánh sáng và ẩm lạnh.
- Nhiễm trùng máu: con vật sốt cao (40-41 độ C), ủ rũ, mệt mỏi không ăn, nằm một chỗ và chết nhanh. Nếu có điều kiện mổ khám sẽ thấy một số đặc điểm sau: tim sưng to, trong xoang bao tim, xoang ngực và xoang bụng chứa nhiều nước vàng; thịt sẫm mầu, trên bề mặt cơ tim, phổi xuất huyết nặng.
- Viêm vú: xuất hiện ở dê cừu cái, vật sốt nhẹ, bầu vú sưng to, cứng; đôi khi thấy có mủ khi nặn đầu vú, không cho con bú hoặc không cho vắt sữa.
Điều trị bệnh: Sử dụng kháng sinh sớm và đúng liều sẽ có hiệu quả cao.
- Có thể dùng các loại kháng sinh như Penicilin kết hợp Streptomyxin, Oxytetracyclin hoặc các thuốc sau đây để điều trị bệnh
- NAVET PEN-STREP loại bột hòa tiêm hoặc dung dịch tiêm.
Với loại dung dịch tiêm: dùng 1,5-2ml/10kg thể trọng/ngày, tiêm bắp thịt liên tục trong 3-5 ngày.
NAVET-OXYTETRA 200, loại dung dịch tiêm. Sử dụng tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch.
Liều dùng: Dê cừu lớn 1ml/20kg thể trọng/ngày.
Dê cừu non: 1ml/10kg thể trọng /ngày.
Dùng liên tục 3-5 ngày.
Chú ý phối hợp điều trị bằng kháng sinh kết hợp với các loại thuốc trợ sức thông thường; lưu ý trường hợp khó thở, ho nhiều nên sử dụng thêm thuốc long đờm, thuốc hạ sốt. Chăm sóc, hộ lý tốt vật đang điều trị sẽ giúp phục hồi khỏi bệnh nhanh hơn.
Phòng bệnh: Ngoài phương pháp phòng bệnh bằng vệ sinh, tẩy uế chuồng trại định kỳ bằng các chất sát trùng thông dụng, đảm bảo đầy đủ thức ăn phù hợp thì dê cừu nên được tiêm phòng bằng vác xin sẽ phòng bệnh THT hiệu quả. Hiện trong nước có vác xin THT dê cừu vô hoạt, liều tiêm 2 ml dưới da cho dê cừu khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi trở lên. Vác xin có miễn dịch 6 tháng.