Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Phân viện Thú y Miền Trung với nhiều bề dày thành tích về nghiên cứu khoa học, đào tạo gắn liền với sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, là địa chỉ tin cậy của nhiều nhà khoa học và bà con nông dân trên toàn quốc. Trong suốt thời gian quaPhân viện luôn chú trọng đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu để nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Trước nhu cầu thực tế về sản phẩm phục vụ cho ngành chăn nuôi, thú y trong thời kỳ đổi mới. Đảng ủy, Ban lãnh đạo Phân viện đã định hướng, mục tiêu để phát triển khoa học, đào tạo, gắn liền với sản xuất.

ĐINH HƯỚNG, MỤC TIÊU TRONG NGHIÊN CỨU

  • Các đề tài nghiên cứu luôn gắn với nhu cầu thực tiễn và tạo ra sản phẩm vắc xin phòng chống dịch bệnh.
  • Tập trung nghiên cứu cải thiện quy trình công nghệ trong sản xuất vắc xin và sinh phẩm thú y, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
  • Một số đề tài không tạo ra sản phẩm, nhưng với mục tiêu là phục vụ xã hội, tập trung nghiên cứu, giải quyết những vấn đề từ thực tiễn của ngành chăn nuôi đang cần, góp phần giảm thiểu dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

CÔNG TÁC ĐÀO TẠO

Nghiên cứu khoa học, phát triển sản xuất của Phân viện luôn gắn liền với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ chính trị, đặc biệt Phân viện chú trọng đào tạo trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ ở nước ngoài, những nước có thế mạnh trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Ý,…

Đến nay Phân viện có hơn 40 CBVC làm công tác nghiên cứu được đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có 15 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, còn lại là đại học. Ngoài ra, một số cán bộ sẽ được cử tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, ngoại ngữ trong và ngoài nước thông qua các chương trình nghiên cứu, dự án hợp tác nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng kịp thời yêu cầu của Phân viện trong giai đoạn hội nhập.

Bên cạnh đó, Phân viện còn liên kết với Trường Đại học Thái Nguyên đào tạo được 7 khóa trung cấp Thú y, liên kết với Trường Đại Học Tây Nguyên đào tạo 1 lớp Đại học Thú y. Mỗi năm cán bộ nghiên cứu của Phân viện hướng dẫn 2-3 nghiên cứu sinh, 5-6 học viên cao học; 15-20 sinh viên chuyên ngành Thú y và chuyên ngành Công nghệ sinh học làm luận văn tốt nghiệp.

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG 10 NĂM GẦN ĐÂY

Nhìn lại giai đoạn trước năm 2007, mỗi năm Phân viện chỉ thực hiện 1-2 đề tài cấp cơ sở hoặc thực hiện các đề tài nhánh, với kinh phí 20-40 triệu đồng/đề tài. Ngược lại, giai đoạn 2007 trở lại đây, mỗi năm Phân viện thực hiện 3-4 đề tài, dự án cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ; 4-5 đề tài cấp cơ sở trong các lĩnh vực Thú y và thủy sản, với kinh phí 2,5-10,1 tỷ đồng/đề tài.

Các đề tài nghiên cứu, bài báo đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, các sản phẩm nghiên cứu ngày càng tăng lên cả chất lượng và số lượng. Mỗi năm có 9-10 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước và 3 – 4 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Từ những kết quả nghiên cứu, Phân viện chuyển giao với các hình thức như sau:

Chuyển giao trực tiếp xuống Phân xưởng sản xuất các quy trình, công nghệ sản xuất vắc xin và sinh phẩm thú y

Các sản phẩm của đề tài là các quy trình công nghệ sản xuất vắc xin hoặc các quy trình công nghệ hợp tác quốc tế được chuyển giao trực tiếp cho bộ phận sản xuất để phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi. Đến nay, Phân viện đang sản xuất 18 loại vắc xin và sinh phẩm Thú y, các sản phẩm được phép lưu hành trên toàn Quốc. Một số công nghệ được chuyển giao, sản xuất tại Phân viện những năm gần đây, nổi bật là:

Quy trình sản xuất các loại vắc xin: Vắc-xin tam liên Tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả lợn (TRI I.VAC), Vắc-xin giải độc tố viêm ruột hoại tử ở dê, cừu, bò; Vắc xin Gumboro; Vắc-xin tụ huyết trùng dê cừu; Vắc-xin kép tụ huyết trùng – đóng dấu lợn; Vắc xin E.coli phù đầu lợn; Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò nhũ hóa; Vắc xin Colisal, hoặc các loại men vi sinh cho gia súc, gia cầm và thủy sản,…

Nghiên cứu cải thiện quy trình công nghệ, nhằm nâng cao hiệu hiệu quả, chất lượng vắc xin: Vắc-xin kép tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn; Vắc xin dịch tả lợn; Vắc-xin Newcastle; Vắc-xin tụ huyết trùng gia cầm; Vắc-xin dịch tả vịt; Vắc-xin tụ huyết trùng lợn, Vắc xin đậu gà; Vắc xin phó thương hàn lợn,…

Chuyển giao quy trình chẩn đoán tới phòng chẩn đoán bệnh động vật

Các quy trình chẩn đoán từ kết quả nghiên cứu đề tài hoặc từ các dự án Hợp tác quốc tế đã được chuyển giao tới phòng chẩn đoán, góp phần chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh gây ra trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Nổi bật là: Quy trình chẩn đoán bệnh Leptospira (Hợp tác với Ý); Quy trình chẩn đoán. bệnh Salmonella (Tổ chức Y tế thế giới); Quy trình chẩn đoán bệnh E.coli (hợp tác với Bỉ); Quy trình chẩn đoán bệnh động vật thủy sản (Hợp tác với Úc); Quy trình chẩn đoán bệnh đốm trắng cá chim vây vàng; Quy trình chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn; Quy trình chẩn đoán bệnh sán dây ở gia súc nhai lại; Quy trình chẩn đoán bệnh Gnathosthoma; Quy trình chẩn đoán bệnh sán lá sinh sản ở vịt….

Chuyển giao xuống địa phương các quy trình phòng trị bệnh

          Những năm qua, Phân viện đã chuyển giao nhiều quy trình phòng chống dịch bệnh, góp phần giảm thiểu tình hình dịch bệnh trên vật nuôi. Nổi bật là: Quy trình phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt; Quy trình phòng trị bệnh tai xanh ở lợn; Quy trình phòng trị bệnh giun phổi ở lợn; Quy trình phòng trị bệnh Ký sinh trùng máu ở trâu bò; Quy trình phòng trị bệnh tiêu chảy ở bò bê; Quy trình phòng trị bệnh hô hấp và tiêu hóa ở dê cừu; Quy trình phòng trị bệnh viêm phổi ở bò bê; Quy trình phòng trị bệnh Leptospira ở lợn; Quy trình phòng trị bệnh đốm trắng ở cá chim vậy vàng; Quy trình phòng trị các bệnh ký sinh trùng trên động vật; Quy trình phòng trị các bệnh ký sinh trùng truyền lây từ động vật sang người (Bệnh sán lá gan, Bệnh Neospora, Bệnh Gnathostoma,…),….

MỘT SỐ GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Nhiều công trình nghiên cứu đã tham gia các Hội thi cấp tỉnh, cấp Trung ương và đạt nhiều giải thưởng cao như:

  1. Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vifotec)

Giải Nhất:

Năm 2019: Quy trình chẩn đoán và quy trình phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt.

Năm 2015: Đề tàiNghiên cứu sản xuất vắc-xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn”

Giải Ba

Năm 2019: Quy trình phát hiện vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei ở tôm bằng kỹ thuật Realtime PCR

Năm 2013: Đề tài “Nghiên cứu sản xuất vắc xin Leptospira phòng bệnh ở lợn

  1. Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa

Giải Nhất (2 giải)

Năm 2019: Quy trình chẩn đoán và quy trình phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt.

Năm 2017: Đề tàiNghiên cứu sản xuất vắc-xin giải độc tố Clostridium perfringens  phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê, cừu“.

Giải Nhì (2 giải)

Năm 2019: Quy trình phát hiện vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei ở tôm bằng kỹ thuật Realtime PCR

Năm 2015: Đề tài Nghiên cứu sản xuất vắc-xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn (Colisal)

Gải Ba (2 giải)

Năm 2017: Đề tàiKhảo sát sự lưu hành vi rút Tai xanh, xác định khả năng đề kháng với bệnh Tai xanh của lợn được tiêm phòng 3 bệnh (Dịch tả lợn – DTL, Tụ huyết trùng – THT và Phó thương hàn – PTH) và đề xuất biện pháp phòng bệnh trên đàn lợn nuôi tại Khánh Hòa.

Năm 2015: Đề tài „Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học bệnh giun Gnathostoma ở động vật và người tại các tỉnh phía Nam và xây dựng biện pháp phòng trị”

Năm 2013: Đề tài “Nghiên cứu dịch tễ học một số bệnh ký sinh trùng truyền lây giữa người và gia súc (Sán lá gan lớn, Neospora) và xây dựng các giải pháp phòng trị bệnh”

Năm 2011: Đề tài “Nghiên cứu chế tạo văc-xin phòng bệnh Tụ huyết trùng dê, cừu”

  1. Giải A về Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa

Năm 2016: Đề tài “Nghiên cứu chế tạo vắc-xin E.coli phù đầu lợn”

Năm 2020: Đề tài Nghiên cứu sản xuất vắc-xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn (Colisal)

  1. Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam (3 giải):

Năm 2018-Vắc-xin Tụ huyết trùng dê, cừu

Năm 2015-Vắc-xin kép Tụ huyết trùng-Đóng dấu lợn

Năm 2015-Vắc-xin Tụ huyết trùng-Phó thương hàn lợn

  1. Các công trình đoạt giải được đăng tải trong cuốn Sách vàng Sáng tạo Việt Nam

Năm 2016: Đề tàiNghiên cứu sản xuất vắc-xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn”

Năm 2017: Đề tài “Nghiên cứu chế tạo vắc-xin E.coli phù đầu lợn”

Năm 2020: Quy trình chẩn đoán và quy trình phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt.

MỘT SỐ CHIẾN LƯỢC TRONG THỜI GIAN TỚI

  • Nghiên cứu những đề tài có tính ứng dụng cao, nhằm áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.
  • Đào tạo đội ngũ cán bộ ở những nước tiên tiến.
  • Cải thiện quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.