Nấm da là một trong những bệnh phổ biến trên thế giới, là bệnh quan trọng do có khả năng lây truyền từ động vật sang người (Ameen, 2010). Nhiễm nấm da có thể do các loài nấm mốc hoặc nấm men gây ra. Đến nay đã xác định được trên 20 loài nấm khác nhau ở chó, mèo; các loài phổ biến như: Trichophyton mentagrophytes, Microsporum gypse
um, M. canis,…
Chó, mèo khỏe mạnh thường mang mầm bệnh trên cơ thể; khi con vật bị suy yếu, thiếu dinh dưỡng, nhiệt độ môi trường cao, độ ẩm độ cao hoặc khi da bị tổn thương, nấm sẽ xâm nhập vào vùng da bị tổn thương và gây bệnh (Weitzman và Summerbell, 1995). Nấm ký sinh ở da, sử dụng keratin là nguồn dinh dưỡng, gây nên hiện tượng viêm da, đứt gãy lông, gây ngứa, giảm tăng trọng, con vật dễ mắc các bệnh khác do sức đề kháng giảm (Rochette và Van Meirhaeghe, 2010). Bệnh nấm da là một bệnh khó điều trị, điều trị kéo dài và con vật dễ bị tái phát sau ngưng thuốc. Vì vậy, cần chẩn đoán phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng thuốc và đúng liệu trình.
Phương thức truyền lây
Sự lây truyền bệnh do tiếp xúc trực tiếp với con bệnh hoặc do môi trường nuôi bị ô nhiễm các bào tử nấm. Thời gian từ khi bắt đầu nhiễm đến khi có các tổn thương từ 7-14 ngày.
Tình hình nhiễm nấm da ở chó, mèo tại Việt Nam
Từ năm 2020-2022, tổng số 1189 mẫu bệnh phẩm trên chó, mèo ở Việt Nam được xét nghiệm, phát hiện 350 con nhiễm nấm da, với tỷ lệ nhiễm là 29,43%. Đã xác định được 8 loài nấm da, với tỷ lệ nhiễm: Aspergillus flavus (94,57%), A. niger (1,2%), Trichophyton mentagrophytes (77,71%), Microsporum gypseum (75,71%), Candida tropicalis (55,14%), Penicillium aculeatum (51,14%), P.citrinum (1,0%), Mucor plumbeus (47,42%). Bệnh nấm da thường phổ biến ở chó, mèo non hoặc những con đã già; ở những chuồng quá chật, môi trường ẩm ướt, ẩm độ cao (Nguyễn Đức Tân và cs, 2022).
Các biểu hiện lâm sàng bệnh nấm da
- Chó, mèo bị rụng lông, có thể từng mảng hoặc loang lỗ khắp cơ thể, có nhiều sắc tố vảy, con vật có mùi hôi. Trên da có các ban đỏ hoặc mụn nước bằng đầu tăm.
- Viêm da, vết thương tròn dạng đồng xu (đường kính 3-5 cm), sau đó lan rộng không hình dạng.
- Các vùng tổn thương cũ khô dần, xuất hiện thể sùi, bên trong có mủ; con vật ngứa ngáy khó chịu.
Chẩn đoán:
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết hợp xét nghiệm phát hiện sợi nấm bằng xem tươi hoặc nuôi cấy trên môi trường thạch Sabouraud.
Chủ vật nuôi có thể gửi mẫu bệnh phẩm đến các cơ quan thú y của tỉnh hoặc gửi đến Phân viện Thú y miền Trung để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Điều trị:
Cắt lông ở những vùng da bị tổn thương, vệ sinh, xịt hoặc bôi thuốc ướt đều lên vùng da bị tổn thương và vùng lân cận. Có thể dùng 1 trong các loại thuốc Clotrimazole 1% hoặc Miconazole 2%, ngày 1 đến 2 lần.
Trong điều trị cần kết hợp biện pháp cơ học để loại bỏ các chất hữu cơ và lông chó, mèo lưu cữu ở chuồng, nền chuồng. Sau đó khử trùng bằng các hóa chất (iodine, cloramin B, benkocide), phun hóa chất ướt đều lên bề mặt (trần, vách chuồng, nền chuồng, lối đi, sân chơi): Iodine 10% pha 10 ml/lít nước; Cloramin B pha 5 g/lít nước; Benkocide 5 ml/1 lít nước. Các hóa chất được định kỳ phun ngày 2 lần, kéo dài trong 7 ngày điều trị.
VanThoai